Vùng cung cầu, hay vùng kháng cự hỗ trợ là điều mà nhiều nhà đầu tư đã quen thuộc khi nhận định đó là vùng giá đảo chiều tiềm năng. Tuy nhiên đôi khi giá gặp hỗ trợ hoặc kháng cự sau đó đảo chiều nhanh chóng, nhưng có lúc giá đi xuyên qua vùng đó một cách dễ dàng. Vậy làm sao để phát hiện đâu là kháng cự, hỗ trợ được xu hướng tôn trọng, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu trong bài hôm nay.
Vùng kháng cự là khu vực tồn tại rất nhiều nhà đầu tư sẵn sàng bán ra cổ phiếu. Giá đang tăng gặp vùng này sẽ có nguy cơ đảo chiều. Ví dụ như khu vực hình chữ nhật sau là vùng kháng cự hay vùng cung đối với GMD. Giá liên tiếp định xâm phạm vùng này nhưng bị bên bán đẩy giá giảm ngược lại.
Tuy nhiên có những trường hợp vùng kháng cự bị vượt dễ dàng như sau.
Giá di chuyển tăng vượt kháng cự mà không có một đợt điều chỉnh giảm rõ rệt nào.
Vùng kháng cự, hay vùng cầu là vùng giá tại đó rất nhiều nhà đầu tư có nhu cầu mua, vào đẩy giá tăng lên nếu giá chạm vào vùng này. Ví dụ như trường hợp sau với VCB
Giá chạm vào vùng đáy cũ được phản ứng bật lên nhanh chóng vì lực cầu vào bắt đáy thuyết phục.
Nhưng cũng có trường hợp giá đâm xuyên được hỗ trợ như sau.
Hoặc có trường hợp như sau, hai lần giá giảm chạm vùng hỗ trợ, chúng ta thấy giá đều có phản ứng bên cầu cố gắng đẩy giá tăng trở lại. Tuy nhiên đến lần thứ ba giá đã vượt qua được mốc này.
Vậy làm sao để xác định đâu là vùng hỗ trợ, kháng cự có tác dụng mạnh mẽ để chúng ta vào lệnh tự tin nhất ? Chúng tôi xin đưa ra ba chú ý như sau: một là sử dụng RSI, thứ hai là độ mới của vùng kháng cự, hỗ trợ và cuối cùng là thời gian giá nằm trong vùng cung, cầu. Việc sử dụng chú ý nào hay sử dụng tất cả các chú ý trên là tùy thuộc vào nhà đầu tư cũng như tùy thuộc vào cổ phiếu do mỗi cổ phiếu có đội tạo lập riêng và cách đi của giá riêng không thể có khuôn mẫu cho tất cả các trường hợp.
Sử dụng chỉ báo RSI để xác định độ mạnh yếu của kháng cự, hỗ trợ.
Nếu giá đang tăng sắp chạm kháng cự (vùng cung) và RSI ở vùng trên 60 chứng tỏ lực mua vẫn đang rất mạnh mẽ và giá có khả năng cao phá được kháng cự này. Còn giá rơi sắp chạm vào vùng hỗ trợ hay vùng cầu, nếu RSI ở vùng dưới 40, giá có xu hướng sẽ rơi vượt qua được vùng cầu này. Vùng hỗ trợ và kháng cự có thể được giá tôn trọng nếu RSI không vượt qua vùng quá mua hay quá bán.
Ví dụ với TCM khi đang trong giai đoạn vượt kháng cự RSI ở vùng rất cao. Và cổ phiếu thực sự đã vượt được vùng này.
Trường hợp của GMD, khi RSI không duy trì liên tục được trên vùng quá mua, sức mạnh bên mua vẫn quá yếu để đẩy được giá vượt qua kháng cự
Còn khi giá giảm chạm vùng hỗ trợ và RSI nằm trên 40 dưới 60, vùng hỗ trợ đó có tác dụng thật sự ngăn giá ngừng rơi.
Tương tự với VCB, giá chạm hỗ trợ trong khi RSI trong khoảng 40 – 60 nên giá đã phản ứng bật lên sau đó.
Còn đây là khi giá giảm chạm hỗ trợ, nhưng RSI ở vùng dưới 40 và giá tiếp tục giảm quá mất hỗ trợ. Sau khi mất hỗ trợ này, vùng đó đã trở thành kháng cự. Và lần sau khi giá tăng lên test lại kháng cự, RSI trong vùng 40-60 nên vùng kháng cự này được tôn trọng, giá quay đầu giảm sau khi bước vào vùng kháng cự.
Thứ hai là xem xét thời gian giá nằm trong vùng kháng cự, hỗ trợ.
Cơ bản vùng kháng cự hỗ trợ có phản ứng khi có ít nến nằm trong vùng đó. Điều này chứng tỏ vùng cung cầu đó rất được tôn trọng, tới mức giá phản ứng rất nhanh chóng khi tiến tới vùng kháng cự hỗ trợ. Còn trong trường hợp có nhiều nến liên tiếp (trên 6 nến) xuất hiệp trong vùng hỗ trợ, kháng cự, vùng đó sẽ thành vùng yếu do khoảng thời gian nhiều nến xuất hiện là lúc các lực cung, cầu đang bị hấp thụ dần và khó có ảnh hưởng lớn trong tương lai, giá về sau sẽ nhanh chóng vượt qua vùng kháng cự hỗ trợ đó. Nếu hợp giá càng ở lâu trong vùng kháng cự, hỗ trợ vùng đó càng ít có khả năng tác động mạnh tới giá. Trường hợp chỉ có một, hai nến xuất hiện ở vùng hỗ trợ, kháng cự sau đó giá đảo chiều mạnh, đó là trường hợp chúng ta có thể tin rằng trong tương lai sẽ trở thành vùng cung cầu cực kì tiềm năng để mua hay bán cổ phiếu.
Trường hợp này của TCM, vùng kháng cự trước đó tạo bởi rất nhiều nến nên sau đó nó cũng chỉ là vùng kháng cự yếu khi giá tăng xâm phạm vùng này.
Vùng cung có 6 nến của DPM trở thành vùng cung yếu và dễ bị vượt qua
Còn đây là vùng cầu và vùng cung chỉ có ít nến, và khi giá chỉ cần chạm gần tới vùng này đã có phản ứng rồi. Khi giá giảm vào vùng này cũng phản ứng rất nhanh bật ngược trở lại khi lực cầu bắt đầu vào bắt đáy mạnh hoặc lực cung vào bán thật mạnh.
Thứ ba là sử dụng độ mới của vùng kháng cự, hỗ trợ
Thông thường, nếu giá test vùng kháng cự hỗ trợ quá nhiều lần trong thời gian ngắn, chứng tỏ các lần sau vùng đó càng dễ thủng. Bởi vì trong những lần test lực cung và lực cầu đã dần bị hấp thụ, số người quyết định mua-bán ở giai đoạn này. Thời gian sau khi giá gặp lại vùng cung cầu càng nhanh, vùng đó ngày càng yếu.
Thường đến lần test thứ 3 vùng kháng cự hỗ trợ khó mà có tác dụng mạnh mẽ khiến giá đảo chiều.
2 lần đầu giá chạm hỗ trợ và đã đảo chiều. Nhưng tới lần thứ ba giá nhanh chóng xuyên qua vùng này. Lần chạm hỗ trợ đầu tiên giá bật lên trong thời gian rất dài mới giảm chạm lại hỗ trợ đó. Lần thứ hai giá bật lên một khoảng thời gian ngắn hơn chứng tỏ vùng hỗ trợ này đã yếu. Đến lần thứ ba vùng hỗ trợ không còn ảnh hưởng nữa trong việc cản đường đi của giá.
Tuy nhiên, đây không phải là các bí kíp để bắt đáy bán đỉnh, các vùng cung cầu chỉ là vùng đảo chiều tiềm năng của giá, còn để biết chắc giá sẽ đảo chiều hay không nhà đầu tư vẫn cần quan sát động lượng ở nến và thanh khoản để tăng tính chính xác của dự báo.
Tóm lại, trong bài hôm nay chúng ta đã cùng tìm hiểu các phương pháp xác định độ mạnh yếu vùng kháng cự hỗ trợ. Mong rằng với những kiến thức này, nhà đầu tư có thể tự tin chọn thời điểm thích hợp trong việc mua vào cổ phiếu đang rơi, cũng như bán chốt lời cổ phiếu khi giá sắp đảo chiều.
Xem thêm:
Mô hình fakeout – shakeout của Linda Raschke –
Sử dụng trendline và mô hình đối với RSI –
Ứng dụng của phân kì với MACD –
Mô hình thu hẹp biến động VCP –
Phân tích kĩ thuật cổ phiếu TIG và STB phiên 19/06/2020 –